Trang chủ » Sài Gòn » Địa danh Sài Gòn » Chùa Hoằng Pháp – Ngôi chùa tâm linh bậc nhất Sài Gòn

Chùa Hoằng Pháp – Ngôi chùa tâm linh bậc nhất Sài Gòn

by Tiểu San
0 comment
Sông Sài Gòn dấu ấn lịch sử trong sự phát triển của Sài Gòn ngày nay

Chùa Hoằng Pháp là một ngôi chùa ở huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Cho đến nay, chùa Hoằng Pháp nổi tiếng là nơi thu hút các tín đồ Phật giáo ở Sài Gòn và các vùng lân cận đến tham quan và tham gia các khóa tu Phật thất.

#Lịch sử chùa Hoằng Pháp

Chùa Hoằng Pháp thuộc hệ phái Bắc tông, do cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957 trên một cánh rừng chồi. Sau hai năm khai phá, năm 1959 ông mới bắt đầu xây dựng bằng gạch đinh, hai tầng mái ngói, mặt chùa xoay về hướng Tây Bắc.

Năm 1965, chiến tranh tàn phá tại Đồng Xoài, Thuận Lợi làm nhiều người mất nhà cửa. Hòa thượng trụ trì đã đón nhận 60 gia đình gồm 361 nhân khẩu về chùa nuôi dưỡng trong 8 tháng, sau đó mua đất xây cất 55 căn nhà cho đồng bào định cư.

Năm 1968, hòa thượng lại thành lập viện Dục Anh ở đây, tiếp nhận 365 em từ 06 đến 10 tuổi về nuôi dạy. Nhờ những việc làm từ thiện mà từ đó Phật tử nhiều nơi tụ hội về ngày một đông.

Năm 1971, để đủ chỗ lễ bái, giảng đạo, Ngộ Chân Tử xây nối thêm mặt tiền chánh điện dài 28m, tường xây bằng gạch block, mái lợp tole cement.

Năm 1974, với dự định mở làng cô nhi tiếp nhận thêm hàng ngàn trẻ thơ bất hạnh và thành lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, hòa hượng mua thêm 45 mẫu đất tại ấp Phú Đức, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh. Công việc đang tiến hành thì xảy ra sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, số đất đó đã hiến lại cho Ban quản trị khu Kinh tế mới Lê Minh Xuân.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, số trẻ em được thân nhân nhận về, viện Dục Anh giải tán, chùa lại nhận nuôi dưỡng các cụ già neo đơn hoặc vì gia cảnh khó khăn.

Năm 1988, Hòa thượng Ngộ Chân viên tịch. Đệ tử của ông là Thích Chân Tính lên thay. Ông thành lập một Ban Hộ tự tại địa phương và mười chúng ở các nơi với hơn 1.000 Phật tử.

Ngày 23 tháng 3 năm 1995, chùa xây lại khu chánh điện.

Tháng 3 năm 1999, chùa tổ chức một khóa tu Phật thất 7 ngày đêm, với lượng người tham dự là 70 người. Từ đó đến nay đã tổ chức nhiều khóa tu tương tự, thu hút rất đông đảo Phật tử (mỗi khóa trên dưới 3000 người, có lúc lên tới 15000 người).

Năm 2005, chùa tổ chức khóa tu mùa hè dành cho học sinh và sinh viên. Năm đầu tiên có hơn 300 em. Năm thứ 2 là hớn 1600 em. Và cho đến nay, chùa đã đón nhận hàng năm gần 6000 em học sinh, sinh viên đến dự tu “Khóa tu mùa hè”.

Và cho đến nay, chùa Hoằng Pháp hiện tại được xem là trung tâm tu học Phật Pháp, trung tâm văn hóa Phật giáo lớn nhất Việt Nam.

#Kiến trúc

Chùa Hoằng Pháp đã trải qua nhiều giai đoạn tái thiết, nâng cấp. Hiện nay có khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cao bóng mát quanh năm.

Từ ngoài nhìn vào cổng tam quan, cổng chính đề chữ “Chùa Hoằng Pháp”, hai cổng phụ bên trái đề chữ Từ bi, bên phải đề chữ Trí tuệ. Dọc theo hai cột của cổng chính có hai câu đối:

“Hoằng dương đại đạo chỉ bày nhân loại nhận ra chân thật tính.
Pháp Phật nhiệm màu khai thị chúng sinh ngộ được bồ đề tâm.”

Dọc theo hai cổng phụ có hai câu đối:

“Từ bi cứu bốn loài qua bể khổ đau.
Trí tuệ độ ba cõi đến bờ hạnh phúc.”

Từ trong cổng tam quan nhìn ra, dọc theo hai cột chính có hai câu đối:

“Tri ân Hòa Thượng Tôn sư gây dựng cảnh thiền từ đất Bắc.
Báo đáp Cao Tăng Tổ đức vun trồng vườn giác tại miền Nam.”

Dọc theo hai cổng phụ có hai câu đối:

“Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu.
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.”

Tất cả các câu đối khắc trên cổng đều bằng tiếng Việt.

Trong lần tái thiết năm 1993, chùa đã nới rộng chánh điện chiều ngang 18m, chiều dài 42m, tổng diện tích xây dựng là 756m2, kiến trúc theo lối chữ “công”. Tuy hình thức có mới nhưng vẫn mang dáng vẻ cổ kính của chùa miền Bắc với góc đao cong vút, 02 tầng mái ngói màu đỏ. Toàn bộ nền móng, đà, cột, trần, mái đều đúc bêtông kiên cố, tường xây gạch, mặt ngoài dán gạch men, mặt trong sơn nước. Nền lót gạch granite nhập từ Tây Ban Nha. Toàn bộ cánh cửa, bao lam, án thờ đề làm bằng gỗ quý, chạm trổ tinh vi.

Hai bên bậc cấp dẫn lên thềm tiền đình chánh điện là hai con sư tử lớn bằng cement. Hai bên cửa chánh điện là hai bức phù điêu khắc tượng thần Kim Cang với vẻ mặt cương nghị, thân hình mang dáng đẹp khỏe mạnh của người lực sĩ.

Tiền điện thờ đức Thích Ca ngự trên tòa sen trong tư thế thiền định, chiều cao khoảng 4,50m. Phía trên chung quanh vách tường là 7 bức phù điêu bằng cement chạm khắc hình ảnh cuộc đời đức Phật từ lúc xuất gia cho đến khi nhập niết bàn. Phía trên và dưới bức phù điêu đối diện với tượng Phật là hai hàng chữ “Phật Nhật Tăng Huy – Pháp Luân Thường Chuyển”.

Trước án thờ là bao lam bằng gỗ điêu khắc hình “Cửu long chầu nguyệt”. Phía trên bao lam là ba cuốn thư cũng bằng gỗ khắc chữ Hán; cuốn ở giữa đề Thiên Nhơn Sư, hai cuốn hai bên đề chữ Từ bi và Trí tuệ. Hậu Tổ thờ cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử, Tổ khai sơn chùa Hoằng Pháp. Và trên tường là hai bức phù điêu miêu tả cuộc đời hành đạo của Ngài. Hai bên tả hữu là bàn thờ chư hương linh.

Đối diện với chánh điện là tượng Phật Thích Ca tọa thiền dưới gốc cây Bồ đề. Phía trước cây Bồ đề là cổng tam quan mới được xây dựng vào tháng 6 năm 1999.

Bên trái chánh điện nhìn từ ngoài vào là tháp “Nhị Nghiêm”, nơi an trí nhục thân cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử. Cách một khoảng là tháp các vị Ni của chùa đã quá cố. Tiếp đến là nhà ăn rộng rãi, thoáng mát có hòn non bộ mới tạo. Song song là dãy nhà dưỡng lão nữ, gồm 10 phòng, mỗi phòng 04 người ở với đầy đủ tiện nghi. Sau cuối là nhà trù.

Nét đẹp Sài Gòn - Chùa Hoằng Pháp - Ngôi chùa tâm linh bậc nhất Sài Gòn32″>

Bên phải chánh điện nhìn từ ngoài vào là vườn cây với thảm cỏ xanh tươi. Sát bờ tre là một hòn non bộ cao hơn 10m rộng 20m nằm trên một hồ nước. Bên trong hồ ngay chính giữa tôn trí tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát bằng cẩm thạch trắng cao 5m. Tiếp đến là hòn non bộ nhỏ trong hồ tròn. Sau đó là tháp Phổ Độ, nơi để cốt của thập phương bá tánh.

Phía sau chánh điện là Tăng đường, cũng dùng làm giảng đường có thể chứa khoảng trên 300 thính giả. Trước tăng đường là hai bãi cỏ xanh tươi với cây me cổ thụ.

#Chùa Hoằng Pháp là nơi diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội

Chùa Hoằng Pháp có rất nhiều hoạt động quy mô hoành tráng như: Lễ giỗ tổ chùa (lễ húy kỵ), khóa tu Phật thất, khóa tu mùa hè, lễ Vu Lan, vía A Di Đà, lễ Phật đản sanh…

Lễ giỗ tổ được cử hành vào ngày 16 tháng 10 âm lịch hàng năm. Lễ giỗ tổ nhằm thể hiện tấm lòng tri ân với cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử. Đây là ngày lễ lớn nhất của chùa, được tổ chức hết sức trọng đại và trang nghiêm. Lễ thu hút rất nhiều khách địa phương cũng như khách thập phương đến tham dự.

#Chùa Hoằng Pháp nổi tiếng bởi các khóa tu

Chùa đã tổ chức rất nhiều khóa tu Phật thất thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi về đăng ký tham gia. Trong 7 ngày tu tại chùa bạn sẽ được học rất nhiều điều, nhiều văn hóa trong cuộc sống đạo Phật. Khóa tu tại chùa Hoằng Pháp sẽ hướng dẫn bạn: Cách lễ bái, cách chắp tay, xá chào, cách lễ, lạy và ý nghĩa của chúng. Đến đây, bạn không chỉ tu tâm, tu tính mà còn được rèn luyện sức khỏe dẻo dai.

Hình thức các khóa tu Phật thất có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống tinh thần. Những phật tử tu tại gia thường hay tham gia các khóa tu này để được thực hành và tu tập nơi cửa Phật. Qua 7 ngày 7 đêm của khóa tu, tâm tính con người sẽ ngày càng trong sáng, luôn giữ được sự an nhiên, bình tĩnh.

Ngoài ra chùa Hoằng Pháp còn tổ chức các khóa tu mùa hè. Đối tượng không chỉ là các phật tử, các bạn thanh niên mà còn có thiếu nhi nhỏ tuổi. Khóa tu mùa hè là một nơi để các bạn có thể trải nghiệm hình thức tu tập sinh hoạt trong chùa. Vào dịp hè các gia đình thường gửi con em mình lên chùa Hoằng Pháp tham gia khóa tu để tu tập tâm tính, lòng bao dung, lối sống có kỉ luật.

Ngoài các ngày lễ lớn của Phật giáo chùa luôn tổ chức ngày Thiện nguyện để giúp đỡ Phật tử và các mọi người.

(Sưu tầm)

READ  Đâu mới là nguồn gốc địa danh của Sài Gòn

You may also like

Leave a Comment